Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo kế hoạch, Vinachem sẽ chỉ còn nắm giữ 36% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp đang niêm yết gồm CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM), CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), CTCP Cao su Sao Vàng (SRC), CTCP Phân bón Bình Điền (BFC), CTCP Phân bón Miền Nam (SFG), CTCP Bột giặt Net (NET), CTCP Bột giặt Lix (LIX), CTCP Pin Ắc quy Miền Nam (PAC).
Theo đánh giá chung, việc thoái vốn của Vinachem ở các cổ phiếu trên sẽ không phải đều hấp dẫn, nhưng nhà đầu tư vẫn có thể chọn lọc được cơ hội đầu tư ngắn hạn ở các cổ phiếu này. Trong đó, một số CP đang được chú ý có thể kể đến như PAC, DRC, BFC... Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), trong ngắn hạn, cổ phiếu PAC vẫn có động lực tăng giá, bao gồm câu chuyện M&A (mua bán sáp nhập) và Vinachem thoái vốn. HSC kỳ vọng, nếu thương vụ thoái vốn này kết thúc tốt đẹp, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đầu thị phần pin và ắc quy khu vực phía nam sẽ được cải thiện đáng kể. PAC hiện đang có giá 46.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức giá đầu năm.
Trong nhóm ngành săm lốp, cả DRC và CSM có kết quả kinh doanh sụt giảm trong những năm gần đây. Nguyên nhân chính vẫn là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, xu hướng giá cao su tăng so với năm 2016. Nhưng điểm sáng cho các doanh nghiệp ngành này là ở thị trường xuất khẩu, cụ thể là thị trường Brazil đã áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm lốp xe từ Trung Quốc nên các doanh nghiệp trong ngành có xuất khẩu vào thị trường này như DRC sẽ được hưởng lợi. Cổ phiếu DRC hiện có giá 28.750 đồng, tăng gần 19% so với giá 24.200 đồng vào đầu năm. Còn CSM có giá 14.950 đồng cho mỗi cổ phiếu, giảm nhẹ so với giá 16.200 đồng vào đầu năm.
Theo Báo Thanh Niên